Để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn

Vốn rất cần cho sản xuất của DN nhỏ và vừa
Dịch Covid-19 bùng phát
đã tác động mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Không ít trong số đó rơi vào khủng hoảng, năng lực tài chính suy giảm nghiêm
trọng, thậm chí phải rời bỏ thị trường. Hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh
là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và các địa phương hiện nay.
Theo các DN trên địa bàn
tỉnh, dù đã có sự thông thoáng hơn nhưng nhìn nhận một cách thực tế, việc vay
vốn đối với DN vẫn là khâu khó nhất. Đặc biệt là DN vừa và nhỏ vì thiếu tài sản
thế chấp.
Thiếu tài sản đảm bảo
Đối với việc vay vốn của
các DN, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai,
bám sát các chỉ đạo của cấp trên và tình hình hoạt động của DN địa phương, thời
gian qua, đơn vị đã triển khai đến các tổ chức tín dụng những chương trình hỗ
trợ, tháo gỡ khó khăn. Các tổ chức tín dụng cũng đã vào cuộc mạnh mẽ với việc
sử dụng nguồn lực tài chính thông qua tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận, không
chia cổ tức… để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Ngành Ngân hàng cũng tiếp
tục mở rộng tín dụng, tập trung cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, vay vốn sản
xuất, kinh doanh, đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, nhất là việc khôi phục và duy
trì những ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.
Tại Đồng Nai, nhiều DN
cho rằng nhờ sự can thiệp kịp thời với các chính sách phù hợp từ Nhà nước đã
giúp cộng đồng DN phần nào giảm thiểu được khó khăn. Trong đó, với các biện
pháp giãn nợ giúp DN không bị nợ xấu, có thời gian để cân đối nguồn vốn. Tuy
nhiên, hiện nay lãi suất tiếp cận để vay được vẫn còn cao, chênh lệch giữa lãi
suất huy động và lãi suất cho vay hiện rất lớn; trong khi lãi suất huy động
bình quân chỉ 3-5%/năm, nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm.
Bên cạnh đó, việc vay vốn vẫn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo.
Chờ quy định mới trong
vay vốn
Bên cạnh những kết quả
đạt được thì chính sách hỗ trợ theo Thông tư số 01/2020 ngày 13-3-2020 của NHNN
Việt Nam về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng
chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 vẫn còn những bất cập. Do vậy, dù tích cực
triển khai nhưng có thể thấy số lượt khách hàng, doanh số và dư nợ vẫn còn thấp
so với khả năng, nguồn vốn mà hệ thống ngân hàng hiện có.
Sự bất cập đó thể hiện ở
việc khách hàng không đủ tài liệu để chứng minh đang khó khăn do bị sụt giảm
doanh thu bởi dịch Covid-19. Có những khách hàng e ngại chia sẻ thông tin về
tình hình ảnh hưởng đến DN mình nên các tổ chức tín dụng không thể đưa ra được
giải pháp phù hợp.
Việc giảm lãi suất và gia
hạn nợ của các chi nhánh ngân hàng cho khách hàng phải trình lên cấp cao hơn
phê duyệt dẫn đến kéo dài thời gian, thủ tục phức tạp. Việc xác định thời gian
thực hiện cơ cấu nợ cũng khó vì không đoán trước được tình hình dịch bệnh, nhất
là xác định chắc chắn khả năng hồi phục sản xuất, kinh doanh theo phương án của
khách hàng. Nhìn chung, với sự khó đoán của dịch bệnh, toàn nền kinh tế gặp khó
khăn sẽ kéo theo sự gia tăng số lượng DN, khách hàng cũng bị ảnh hưởng với mức
độ cao hơn. Những bất cập này hiện NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai và các tổ
chức tín dụng trên địa bàn vẫn đang chờ sửa đổi, ban hành thông tư để thay thế
Thông tư 01.
Tại Hội nghị đối thoại
với cộng đồng DN, doanh nhân trẻ của tỉnh vào cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh
Cao Tiến Dũng đã yêu cầu NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai thường xuyên lắng
nghe, nắm bắt ý kiến của các DN. Trên cơ sở đó, cùng các sở, ngành tham mưu để
UBND tỉnh có các giải pháp phù hợp hơn. Trong khi chờ các chủ trương của cấp
trên, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục thực hiện những chính sách đang có, cải
tiến thủ tục hành chính để DN dễ tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo an toàn của vốn
vay.
Nam Vũ